Mở 2 tuyến buýt thủy bao bọc nội thành TP HCM
Hai lộ trình buýt đường sông, mỗi tuyến dài 11 km với thời gian di chuyển 30 phút bằng 8 chiếc tàu... vừa được Công ty Thường Nhật (Daily Express) trình dự án lên UBND thành phố.
Giao thông đường bộ ở TP HCM đang ngày một quá tải, trong khi đó đường thủy với hệ thống kênh rạch, sông chằng chịt lại đang bị bỏ ngỏ. Trước tình hình cấp bách phải đầu tư ngay hình thức buýt đường sông để cứu đường bộ, Công ty Thường Nhật (Daily Express) được chọn là đơn vị nghiên cứu dự án.
Lộ trình xây dựng hệ thống giao thông thủy được Thường Nhật đưa ra gồm hai giai đoạn: giai đoạn 1 đầu tư thí điểm với trọng tâm là các tuyến nội đô. Giai đoạn sau mở rộng và phát triển liên kết toàn TP HCM, các tuyến vành đai, kết nối với các đô thị khác như Long An, Thủ Dầu Một, Nhơn Trạch, Biên Hòa, Vũng Tàu...
TP HCM cần triển khai buýt đường thuỷ để giải toả áp lực cho đường bộ. Ảnh: Kiên Cường. |
Trong giai đoạn thí điểm, chủ đầu tư đưa ra 2 lộ trình tuyến. Lộ trình 1 có chiều dài 11 km theo hướng Linh Đông - Thủ Đức - Bình Qưới - Hiệp Bình Chánh - Tầm Vu - Thanh Đa - Thảo Điền - Ung Văn Khiêm - Trần Não - Nguyễn Hữu Cảnh - Bạch Đằng. Lộ trình 2 có chiều dài tương tự theo kênh Bến Nghé - Tàu Hủ gắn liền với tuyến đường bộ quận 1 - quận 4 - quận 5 - quận 6 - quận 8.
Thời gian chạy tàu khoảng 17 phút, lên xuống khách ở các bến dọc tuyến khoảng 1,5 đến 2 phút mỗi bến, tổng thời gian để đi suốt lộ trình khoảng 30 phút. Thời gian giãn cách mỗi chuyến là 15 phút trong giờ cao điểm và có thể giãn ra vào giai đoạn thấp điểm trong ngày.
Chủ đầu tư dự kiến sẽ đưa vào khai thác mỗi lộ trình là 4 tàu loại 80 ghế (giá trị khoảng 3,5 tỷ đồng mỗi chiếc). Dự án cũng đưa ra trong giai đoạn đầu sẽ có 4 bến chức năng (gồm bến đón trả khách, nhà điều hành và các hạng mục khác kinh doanh khác) và 12 bến nhỏ để khách lên xuống dọc tuyến (có khu vực để xe máy với giá rẻ hoặc có thể miễn phí).
Tổng giá trị đầu tư khoảng 58 tỷ đồng (46 tỷ của doanh nghiệp và 12 tỷ của nhà nước dùng để làm 12 bến nhỏ). Trong dự án nghiên cứu này, Công ty Thường Nhật dự báo mỗi ngày sẽ có khoảng 116 lượt tàu chạy. Chủ đầu tư kỳ vọng con số hành khách sẽ đạt 70% số ghế trên tàu.
Trên cơ sở đó, giá vé dự kiến theo tính toán khoảng 15.000 đồng một hành khách trọn lộ trình. Buýt đường sông không chỉ kéo người tham gia giao thông mà còn là phương tiện thu hút lượng khách du lịch lớn.
"Tại những đô thị lớn như London, Paris, Bankok, khách du lịch chiếm khoảng 50% tổng số người sử dụng phương tiện giao thông này. Chúng tôi kỳ vọng khách du lịch đến TP HCM du ngoạn trên sông Sài Gòn chiếm khoảng 30%, còn lại 70% là người tham gia giao thông", báo cáo của chủ đầu tư nêu rõ.
Trước những nghiên cứu mới nhất về buýt đường sông, Công ty Thường Nhật (Daily Express) cũng đề xuất trở thành nhà đầu tư duy nhất của loại hình giao thông này trong 15 năm. Mặt khác, doanh nghiệp cũng kiến nghị hỗ trợ trợ giá xăng dầu nếu giá dầu tăng hơn 10%. Tại TP HCM, giá vé chỉ được quyết định khi thông qua Hội đồng nhân dân.